Khúc dạo đầu để quản trị doanh nghiệp thành công !

Những mô hình quản trị hiện đại của các nước phát triển đã bắt đầu được các doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm, nhưng có một nguyên tắc thật đơn giản để một mô hình quản trị thành công thì yêu cầu đầu tiên lại chính là hệ thống kiểm soát từ phía trong doanh nghiệp. Nhân ngày đầu xuân, bài viết này sẽ tìm hiểu vai trò và chức năng của công tác kiểm toán nội bộ trong môi trường quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.

Vậy quản trị doanh nghiệp nghĩa là gì?

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có định nghĩa đầy đủ nào về quản trị doanh nghiệp được chấp nhận một cách phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa về quản trị doanh nghiệp đều có một số nội dung chung mô tả hoạt động này như là các chính sách, các quy trình, cơ cấu được các tổ chức áp dụng nhằm chỉ đạo và kiểm soát hoạt động, đạt được mục tiêu đề ra và bảo vệ lợi ích của các nhóm cổ đông theo cách thức phù hợp với các chuẩn mực đạo đức áp dụng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã định nghĩa quản trị doanh nghiệp như sau: “Quản trị doanh nghiệp bao gồm các mối quan hệ giữa Ban Giám đốc doanh nghiệp với Hội đồng Quản trị, các cổ đông và các bên hữu quan khác. Quản trị doanh nghiệp cũng đề ra cơ cấu mà thông qua đó các mục tiêu của doanh nghiệp được xây dựng và các phương tiện nhằm đạt được các mục tiêu đó cũng như theo dõi kết quả hoạt động được xác định.”

Vai trò của kiểm toán nội bộ trong quản trị doanh nghiệp

Kiểm toán nội bộ có vai trò kép. Thứ nhất, các kiểm toán viên đưa ra các đánh giá độc lập, khách quan về mức độ phù hợp của cơ cấu quản trị doanh nghiệp của tổ chức cũng như hiệu quả của các hoạt động cụ thể có liên quan. Thứ hai, họ giữ vai trò như “chất xúc tác” cho các thay đổi, tư vấn hoặc khuyến nghị các biện pháp hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ cấu và thực tiễn quản trị của doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Hội đồng Quản trị là thiết lập và theo dõi các hệ thống trong phạm vi toàn doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động quản trị doanh nghiệp có hiệu quả. Các kiểm toán viên nội bộ có điều kiện tốt nhất để hỗ trợ và hoàn thiện các hệ thống này. Mặc dù các kiểm toán viên nội bộ cần đảm bảo tính độc lập, nhưng họ có thể tham gia và đem lại giá trị cộng thêm trong việc xây dựng các quy trình quản trị doanh nghiệp. Qua việc đưa ra đảm bảo về các quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp, công tác kiểm toán nội bộ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo duy trì hoạt động quản trị doanh nghiệp có hiệu quả.

Vai trò thích hợp đối với công tác kiểm toán nội bộ sẽ phụ thuộc vào mức độ phát triển của các quy trình, cơ cấu quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp, cũng như vai trò và kinh nghiệm của các kiểm toán viên nội bộ. Là một nền kinh tế mới nổi, nói chung Việt Nam đang có cơ cấu và quy trình quản trị doanh nghiệp ở mức độ phát triển còn thấp, kiểm toán nội bộ vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới. Trong môi trường này, chức năng kiểm toán nội bộ cần tập trung nhiều hơn vào việc tư vấn cơ cấu và thông lệ thực hành tối ưu cũng như so sánh cơ cấu, thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện thời với các quy định pháp lý, quy định tuân thủ khác là phù hợp hơn.

Vào một thời điểm thích hợp khi mà môi trường quản trị doanh nghiệp tiến gần hơn đến các thông lệ quản trị doanh nghiệp có tổ chức tốt hơn, phát triển hơn, thì các kiểm toán viên nội bộ có thể chuyển trọng tâm sang các hoạt động sau:

Đánh giá xem các cấu phần quản trị doanh nghiệp có hoạt động đồng bộ trong toàn doanh nghiệp như dự kiến hay không;

- Phân tích mức độ minh bạch trong công tác báo cáo giữa các cấu phần trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp;

- So sánh các thông lệ thực hành quản trị doanh nghiệp tốt nhất;

- Xác định mức độ tuân thủ với các quy định quản trị doanh nghiệp được chấp nhận và đang áp dụng.

Hình minh họa dưới đây mô tả về mặt khái niệm khối lượng thời gian mà các kiểm toán viên nội bộ cần đầu tư cho các nhiệm vụ khác nhau thay đổi tùy theo mức độ phát triển của các thông lệ quản trị doanh nghiệp của tổ chức đối tượng.

Kiểm toán nội bộ thường sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi xử lý các hoạt động quản trị doanh nghiệp bằng cách làm nhiều việc hơn chỉ đơn thuần tiến hành nhiều kiểm toán cụ thể các quy trình họat động. Vị thế đặc biệt của kiểm toán viên nội bộ trong doanh nghiệp cho phép họ quan sát kỹ cơ cấu tổ chức và thiết kế quản trị doanh nghiệp trong khi vẫn không chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các quy trình đó. Thông thường, kiểm toán viên nội bộ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn bằng cách thông báo cho Ban Giám đốc và Hội đồng Quản trị về các biện pháp cần thiết để hoàn thiện, các thay đổi cần tiến hành đối với cơ cấu và thiết kế, không chỉ dừng lại ở việc các quy trình đã thiết lập có hoạt động hay không. Tuy vậy, điều này khác với việc đưa ra báo cáo đánh giá khách quan về các hoạt động quản trị doanh nghiệp cụ thể thông qua các cuộc kiểm toán cụ thể.

Trên hết, các báo cáo đánh giá kiểm toán nội bộ liên quan đến các hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được dựa trên các thông tin được thu thập từ nhiều dự án kiểm toán khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Tốt hơn hết là, các kiểm toán viên nội bộ cần hướng đến việc đưa ra các đánh giá về tính hiệu quả của các nội dung quản trị doanh nghiệp quan trọng, được thực hiện riêng biệt hoặc cùng với các đánh giá về tính hiệu quả của công tác quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ chủ yếu.

Các kiểm toán viên nội bộ có thể hoạt động với hiệu quả cao nhất cho Hội đồng Quản trị trong vai trò một đại diện cung cấp các thông tin, các đánh giá độc lập và khách quan. Sau đó, Hội đồng Quản trị sẽ “sở hữu” bộ phận kiểm toán nội bộ, xây dựng mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa Hội đồng Quản trị và bộ phận kiểm toán nội bộ. Để có được sự hiểu biết toàn diện về các hoạt động của doanh nghiệp, điều cần thiết là Hội đồng Quản trị xem xét cân nhắc công việc của kiểm toán viên nội bộ. Ví dụ, các kiểm toán viên nội bộ có thể tham mưu cho Hội đồng Quản trị về các vấn đề như văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và các mối quan hệ tương tác nội bộ. Ngoài ra, công tác kiểm toán nội bộ hiện hành được dựa trên khuôn khổ của doanh nghiệp về việc nhận diện, ứng phó và quản trị các rủi ro chiến lược, hoạt động, tài chính và tuân thủ khác nhau mà doanh nghiệp gặp phải. Do đó, các kiểm toán viên nội bộ có thể đưa ra sự đảm bảo khách quan về tính hiệu quả của khuôn khổ đó nói chung, bao gồm cả các hoạt động theo dõi và đảm bảo của Ban Giám đốc, cũng như về công tác quản trị từng rủi ro trọng yếu.

Tuy vậy, vai trò hỗ trợ Hội đồng Quản trị cũng có thể tạo ra tình trạng căng thẳng bởi vì kiểm toán nội bộ cũng có thể được đặt vào vị thế là “đối tác” của Ban Giám đốc. Các kiểm toán viên nội bộ sẽ cần quản lý các nhu cầu và kỳ vọng của cả hai bên một cách cẩn thận.

Nguồn:  sưu tầm và tổng hợp từ doanhghiep24g.com.vn

0/Để lại bình luận

NỘI QUY KHI BÌNH LUẬN :
» Không sử dụng từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá, gây mâu thuẫn; Không bàn luận chính trị, sắc tộc.
» Được chém gió thoải mái nhưng Không được Spam.
» Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc
» Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Email: info@taichinhlinhhoat.com,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!