Cách xác định hạn mức tín dụng (phần 2)

Việc xác định hạm mức tín dụng (HMTD) theo cách trình bày trong bài trước chỉ dừng lại ở góc độ cho ta cái nhìn căn bản trong cách tiếp cận và nắm bắt về mặt lý thuết.
 
Sau khi nhận được nhiều sự góp ý từ các bạn quan tâm, tôi xin chia sẽ tiếp kỹ thuật xác định HMTD trong thực tế tại một số ngân hàng hiện nay đang áp dụng như thế nào?
 
Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin trình bày tóm tắt một số nội dung cơ bản trong hoạt động xét cấp HMTD tại các ngân hàng hiện nay, như sau:
  • Cho vay theo HMTD là một trong hai phương thức cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các doanh nghiệp hiện nay.
  • Việc xét cấp HMTD không có một khuôn mẫu chung thống nhất giữa các ngân hàng, hay nói cách khác là luôn có sự khác nhau giữa các ngân hàng, tuỳ theo đối tượng khách hàng, phương án, lĩnh vực, xu hướng ngành nghề khác nhau.
  • Kỹ thuật xác định HMTD hiện nay tại các ngân hàng  đang áp dụng thông thường dựa trên 2 cách : (a) Dựa vào chênh lệch nguồn và sử dụng nguồn; (b) Dựa vào lưu chuyển tiền tệ.
  • Điều kiện áp dụng đối với loại hình cho vay ngắn hạn này thường là những khách hàng đã có quan hệ tín dụng có uy tín với ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh đi vào ổn định, có nguồn thông tin khá đầy đủ chính xác.
  • Trong quá trình xét cấp HMTD, yếu tố kinh nghiệm cá nhân, bộ phận phụ trách tín dụng là rất cần thiết góp phần quan trọng trong tiêu chí : “không quá khắt khe khiến không đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cũng như tránh tình trạng cho vay quá mức cần thiết làm tổn hại đến khả năng thu hồi nợ”. 
  • Nét đặc trưng của hình thức cho vay này: đối tượng cho vay là đối tượng gộp; hoạt động vay trả diễn ra liên tục; có thể không có thời hạn vay và kỳ hạn trả nợ cụ thể chỉ có thời hạn hiệu lực của hợp đồng tín dụng hạn mức; doanh số cho vay có khi lớn hơn HMTD trong thời gian duy trì HMTD.
Kỹ thuật xác định HMTD trong thực tế tại một số ngân hàng hiện nay.
 
1. Dựa vào chênh lệch nguồn và sử dụng nguồn : Tôi xin chia sẽ cách xác định HMTD của ngân hàng công thương (ICB) :
 
Tổng quát :

HMTD = Nhu cầu Vốn lưu động kỳ kế hoạch - Vốn tự có  - Vốn huy động khác
 
Trong đó :
(1)  Vốn tự có = Tài sản lưu động – Nợ ngắn hạn phải trả.
(2)  Nhu cầu VLĐ kỳ kế hoạch = (Tổng CPSX kỳ kế hoạch) / (Vòng quay VLĐ kỳ kế hoạch)
(3)  Vòng quay VLĐ kỳ kế hoạch = (Doanh thu thuần kỳ kế hoạch) / (Bình quân TSLĐ kỳ kế hoạch)
 
Trong thực tế thì thế nào?
  • Cơ sở ngân hàng xét cấp HMTD: Bảng kế hoạch kinh doanhBáo cáo tài chính doanh nghiệp.
  • Cách triển khai:  xuất phát từ dữ liệu phục vụ cho việc tính toán đều trên cơ sở ước lượng/ dự toán từ khách hàng cung cấp trong bảng kế hoạch đề xuất để xin xét cấp HMTD. Mà đã là kế hoạch dĩ nhiên vẫn còn đó sự không chắc chắn dưới góc nhìn của nhân viên tín dụng ngân hàng.
Vậy cho nên trong quá trình tính toán (3) Vòng quay VLĐ kỳ hoạch, thông thường bộ phận tín dụng thường lấy số liệu thực tế kỳ gần nhất trên cơ sở tham chiếu thêm thông tin trong bảng kế hoạch kinh doanh của khách hàng và điều chỉnh thêm biên độ tăng giảm phù hợp (thường do các trưởng phòng có kinh nhgiệm).
 
Lúc này :
(3)     Vòng quay VLĐ t+1 = {( Doanh thu thuần kỳ t) / (bình quân TSLĐ kỳ t )} ( +, - ) % Mức điều chỉnh.
 
Lưu ý : ( +, _ ) % mức điều chỉnh tuỳ thuộc từng kế hoạch khách hàng, lĩnh vực ngành nghề hoạt động, dữ liệu khách hàng hiện có, dữ liệu so sánh trong ngành hoặc tương đương. Điều này đòi hỏi người quyết định phải có một kinh nghiệm chuyên môn.
 
Sau khi xác định được (3), thì bước tiếp là xác định cho được (2) Nhu cầu VLĐ kỳ kế hoạch. Trong đó,  Tổng CPSX kỳ kế hoạch thông thường dựa trên bảng kế hoạch của khách hàng cộng với tham chiếu số liệu thực tế kỳ gần nhất.

Lúc này :
Tổng CPSX kỳ (t+1) = Tổng CPSX kỳ t  + % tỷ lệ điều chỉnh .
 
Lưu ý : % Tỷ lệ điều chỉnh còn tuỳ thuộc vào việc xem xét các yếu tố lĩnh vực ngành nghề, chu kỳ tăng trưởng, sinh trưởng, tính thời vụ…. Tỷ lệ này cũng này đòi hỏi người quyết định phải có một kinh nghiệm chuyên môn.
 
Trong cách tiếp cận này, ngoài ngân hàng ICB ra, thì một số ngân hàng khác như ngân hàng đầu tư phát triển, nông nghiệp nông thôn về cơ bản  cũng có cách làm tương tự nhau.
 
2. Dựa vào lưu chuyển tiền tệ:
 
a. Cở sở xác định HMTD: Thông qua các Báo cáo tài chính, Bảng kế hoạch nhận từ khách hàng,  ta dự toán các nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp dưới dạng thành tiền để lập bảng lưu chuyển tiền tệ.

b. Trình tự xác định HMTD thông qua lưu chuyển tiền tệ.
  • Xác định lưu chuyển tiền tệ ròng trong kỳ dự toán.
  • Tính thặng dự / thâm hụt
  • So sánh với số dư tiền tối thiểu trong kỳ dự toán để xác định kế hoạch giải ngân / thu nợ.
  • Xác định HMTD.
  Việc xác định lưu chuyển tiền tệ như chúng ta đã được biết trong tài chính doanh nghiệp và thẩm định dự án. Thông thường hiện nay có hai phương pháp cách xác định lưu chuyển tiền tệ : Trực tiếp và gián tiếp. Trong hai phương pháp này, mặc dù cách tiếp cận khác nhau nhưng đều đi đến kết quả cuối cùng đó là dòng tiền ròng phải như nhau. Nếu như cách tiếp cận trực tiếp cho ta biết được các dòng tiền vào, dòng tiền ra đi đâu, về đâu như thế nào, thì trong cách tiếp cận gián tiếp cho ta biết được một doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng chưa chắc là có tiền.  Ở đây, tôi xin chia sẽ đến các bạn cách xác định HMTD thông qua lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp ( còn kỹ thuật lập báo cáo ngân lưu như thế nào sẽ được trình bày trong phần khác ).
 
Các hoạt động chủ yếu trên báo cáo ngân lưu bao gồm :
 
Bảng 1 : Ngân lưu vào và ra của từng hoạt động

Ngân lưu vào
Ngân lưu ra
I/. Ngân lưu từ hoạt động kinh doanh.
 
  • Thu tiền khách hàng
  • Chi trả cho người bán
  • Thu lãi vay và thu cổ tức được chia.
  • Chi trả : lương, lãi vay, thuế .
  • Thu khác từ hoạt động kinh doanh
  • Chi trả khác cho hoạt động kinh doanh.
II/. Ngân lưu từ hoạt động đầu tư.
 
  • Thanh lý TSCĐ cũ.
  • Mua sắm TSCĐ mới.
  • Bán chứng khoán đầu tư
  • Mua chứng khoán đầu tư.
  • Thu nợ cho vay
  • Cho vay.
III/. Ngân lưu từ hoạt động tài trợ.
 
  • Vay  tiền.
  • Trả nợ vay.
  • Phát hành cổ phiếu .
  • Mua lại cổ phiếu, chi trả cổ tức.
  • Phát hành trái phiếu.
  • Mua lại trái phiếu.


Tương ứng với mỗi dòng ngân lưu vào, ra ở trong từng hoạt động trên, ta sẽ xác định được dòng tổng ngân lưu vào, tổng ngân lưu ra và dòng lưu chuyển tiền tệ ròng.
 
Sau đây, tôi xin lấy một ví dụ minh hoạ diễn giải cụ thể và chi tiết để hiểu vần đề.
 
Ví dụ :
Ngân hàng A thẩm định hồ sơ vay vốn của Công ty TM – DV B, thu được các thông tin sau :

1.    Số dư tiền tài thời điểm 31/12/2006 : 07 tỷ đồng.
2.    Từ kế hoạch kinh doanh dự toán được các số liệu sau :

Đvt : Tỷ đồng

 
Tháng  01
Tháng  02
Tháng 03
Dòng tiền vào
18
20
26
Dòng tiền ra
28
27
20
Số dư tiền tối thiểu
12
10
6


3.    Công ty là khách hàng có uy tín, đủ điều kiện áp dụng cho vay theo hạn mức tín dụng.
4.    Dự nợ ngắn hạn hiện tại bằng  0.
5.    Giả định các yếu tồ khác không thay đổi.
Hãy xác định HMTD quý I /2007 thông qua lưu chuyển tiền tệ. HMTD bao gồm cả dư nợ cũ ( nếu có ).

Bước 1: Bảng dự toán lưu chuyển tiền tệ :
Đvt : Tỷ đồng
 
Tháng  01
Tháng  02
Tháng 03
Dòng tiền vào
18
20
26
Dòng tiền ra
28
27
20
Lưu chuyển tiền tệ ròng
( 10 )
( 7 )
6
Bước 2 : Cách xác định HMTD:

STT
Danh mục
31/12/2006
Tháng 01/07
Tháng  02/07
Tháng 03/07
1
Tiền đầu kỳ
 7
7
12
10
2
LCTT ròng
 
-10
-7
6
3
Thặng dư/Thâm hụt
( 1+2 )
-3
5
16
4
Số dư tiền tồi thiểu
 
-12
-10
-6
5
Vay nợ ngắn hạn
(3+4)
15
5
0
6
Trả nợ ngắn hạn
 
0
0
16
7
Tiền cuối kỳ (*)
( 3+5 – 6 )
12
10
0
8
Dư nợ vay
 
15
20
4
9
Kế hoạch
 
 
 
 
10
+ giải ngân

15
5
0
+ thu nợ

0
0
16
11
HMTD
 
 
20
 






Như ta đã biết, HMTD là mức dư nợ vay tối đa được duy trì trong một thời hạn nhất định mà ngân hàng và khách hàng đã thoã thuận trong hợp đồng tín dụng. Theo cách hiểu này, ta dễ dàng xác định HMTD tối đa trong ví dụ trên là: 20 tỷ đồng.
 
Tài liệu tham khảo :
•    Nghiệp vụ ngân hàng - TS. Nguyễn Minh Kiều, GV . ĐHKT. TPHCM và Chương trình Fulbright.
•    Tín dụng và Thẩm định tín dụng ngân hàng - TS. Nguyễn Minh Kiều, GV . ĐHKT. TPHCM và Chương trình Fulbright .
•    Thanh toán và Tín dụng ngân hàng _ GV . Trần Thị Bình An_ 2007.
•    Tài chính doanh nghiệp - GV. Huỳnh Thái Bảo - 2007.
•    Tài liệu nội bộ khác.

 
Nguyễn Thế Lộc © SAGA - www.saga.vn

0/Để lại bình luận

NỘI QUY KHI BÌNH LUẬN :
» Không sử dụng từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá, gây mâu thuẫn; Không bàn luận chính trị, sắc tộc.
» Được chém gió thoải mái nhưng Không được Spam.
» Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc
» Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Email: info@taichinhlinhhoat.com,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!