Hướng dẫn tìm nguồn tài trợ vốn cho các DN vừa và nhỏ! (Phần 1)

Với tư cách là giám đốc doanh nghiệp, bạn biết rất rõ rằng nếu không có đầu tư thì doanh nghiệp của bạn sẽ không có khả năng phát triển.Nhưng câu hỏi đặt ra cho các bạn là làm thế nào để tài trợ cho những đầu tư mà bạn muốn thực hiện. Để đầu tư, tóm lại cần phải có nguồn tài chính thích đáng về giá trị và về thời hạn; đầu tư thật sự là một công việc "lâu dài" và để làm được điều đó thì cần phải có nguồn vốn "lâu dài".

taichinhlinhhoat.com xin trích một phần trong cuốn "Hướng dẫn tìm nguồn tài trợ có kỳ hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" của tác giả Jean-Claude LE CORRE (Phụ trách bộ phận "Nghiên cứu và Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ") nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình dung được cách tìm nguồn vốn tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

I. Các giải pháp tìm kiếm nguồn vốn tài trợ:

Về nguyên tắc, có 3 cách giải quyết vấn đề khác nhau:

1. Giải pháp thứ nhất: tăng nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

Đây là biện pháp đơn giản nhất và ít tốn kém nhất đối với doanh nghiệp. Thật vậy, "vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp" là vốn đóng góp của các cổ đông hay của người chủ duy nhất, số vốn này không gây ra chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải pháp này thường là không thể được, vì một trong những đặc điểm chính của loại doanh nghiệp này chính là ở chỗ người chủ hoặc các hội viên chỉ có phương tiện tài chính hạn chế: và như vậy họ không thể bỏ ra nhiều vốn hơn số vốn họ đã góp cho doanh nghiệp được.

Chính nhằm giải quyết khó khăn này, một số tổ chức được thành lập với chức năng tăng cường vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách tham gia góp vốn với thời gian hạn chế trong các doanh nghiệp.

Việc tham gia của các tổ chức này cho phép doanh nghiệp thụ hưởng có được một số vốn nhiều hơn để có thể vượt qua một giai đoạn mới trong quá trình phát triển; và ngay khi bắt đầu hoạt động, tổ chức này sẽ nhượng lại phần góp vốn của mình cho các hội viên khác khi mức độ lợi nhuận doanh nghiệp đạt được cho phép họ có đủ các phương tiện mua lại.

2. Giải pháp thứ hai: vay có kỳ hạn

Đó là giải pháp cổ điển, nhìn chung tất cả các doanh nghiệp đều nghĩ tới. Nhưng dưới tên gọi "vay trung và dài hạn", có thể có rất nhiều các phương thức khác nhau mà các doanh nghiệp thường bị thiếu thông tin.

Thật vậy, cần phải biết rằng tuỳ theo tổ chức tài trợ và nguồn tài trợ, những điều kiện mà một doanh nghiệp hay một dự án đầu tư phải thoả mãn, cũng như những điều kiện kèm theo có thể thay đổi đổi rất nhiều.

Do đó, tuỳ theo đặc điểm của nguồn tài trợ và đặc điểm của dự án đầu tư, mà doanh nghiệp cần phải tìm hiểu để có thể gửi hồ sơ xin vay đến tổ chức thích hợp nhất.
Cũng cần ý thức một điều là do cách thức vận hành của các tổ chức tài trợ, chất lượng của dự án đầu tư chưa thể coi là đủ để có thể vay có kỳ hạn như mong muốn, dù rằng chất lượng này là điều kiện đảm bảo tốt nhất.

3. Giải pháp thứ ba: thuê tài chính

Thuê tài chính (tiếng Anh có nghĩa là "leasing") là một phương tiện tài trợ vận hành theo cách sau:

Giả sử rằng một giám đốc doanh nghiệp, để nâng cao khả năng sản xuất, muốn mua một thiết bị mới mà ông đã tìm hiểu và ông cũng biết các nhà cung cấp thiết bị này, bởi vì ông ta đã liên hệ với họ để hỏi về tất cả các thông tin kỹ thuật cần thiết cũng như giá bán thiết bị nói trên.

Thật không may là ông giám đốc này không có số tiền cần thiết để mua thiết bị, và ông cũng không thể vay trung hạn vì một số lý do (chẳng hạn như ông ta không thể thực hiện được phần "đóng góp cá nhân" theo yêu cầu, hay không thể đưa ra bảo lãnh vay).
Khi đó ông ta có thể gửi đơn đến một công ty thuê mua tài chính. Tất nhiên là ông ta phải gửi hồ sơ giải thích tại sao ông ta muốn có thiết bị đó, và trong hồ sơ phải có tất cả các tài liệu mà công ty thuê tài chính cần để đánh giá độ vững trắc của doanh nghiệp.

Nếu như việc đánh giá hồ sơ dẫn đến một kết luận thuận lợi, công ty thuê tài chính sẽ đề nghị ông Giám đốc ký hợp đồng. Trong hợp đồng này, công ty cam kết mua thiết bị do ông Giám đốc lựa chọn với các điều kiện kỹ thuật và giá cả như ông đã thoả thuận với nhà cung cấp.

Sau khi ký hợp đồng, thiết bị sẽ được giao trực tiếp và được lắp đặt tại doanh nghiệp; coi như công ty thuê tài chính cho doanh nghiệp thuê trong một thời hạn xác định, không thể huỷ bỏ (thông thường thì thời hạn này chiếm toàn bộ thời gian khấu hao của tài sản, theo qui định của thuế).

Đổi lại, doanh nghiệp phải:
• trả tiền thuê định kỳ cho công ty thuê tài chính;
• chịu trách nhiệm bảo dưỡng và sửa chữa cần thiết để đảm bảo giữ thiết bị luôn chạy tốt
• mua bảo hiểm thiết bị để tránh rủi ro mất cắp, hoả hoạn, nổ, bị phá..., trong đó bên được bảo hiểm là công ty thuê tài chính.

Khi hợp đồng thuê tài chính hết hạn, thông thường doanh nghiệp có thể chọn một trong 3 khả năng sau:

• trả lại tài sản cho công ty cho thuê: trong trường hợp này, việc giao thiết bị với các chi phí (tháo dỡ, vận chuyển,...) sẽ do bên thuê chịu trách nhiệm;
• mua lại thiết bị với giá trị còn lại thấp, được ấn định từ lúc ký hợp đồng;
• hoặc ký tiếp hợp đồng thuê thiết bị đó với công ty thuê mua tài chính và trả tiền thuê rẻ hơn nhiều so với trước (thông thường thời hạn của hợp đồng thuê này là 1 năm)

Ghi chú: Ví dụ trên đây chỉ là một trong rất nhiều hình thức thuê tài chính có thể có.

Với sự phát triển mạnh ở nhiều nước, thuê tài chính có thể được xem là một giải pháp thay thế đơn giản và thuận lợi cho tín dụng trung và dài hạn; nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên gặp khó khăn trong việc vay vốn trung và dài hạn tại ngân hàng.

Tuy nhiên cần phải hiểu rằng thuê tài chính khác với tín dụng trung và dài hạn ở chỗ đó là một phương tiện tài trợ ở mức thấp hơn: thật vậy, người ta có thể sử dụng phương thức này để tài trợ cho một vài thiết bị chứ không phải để tài trợ cho toàn bộ một dự án đầu tư lớn.

Cuối cùng cần phải biết rằng giá thuê thường cao vì nó phải cho phép công ty thuê tài chính một mặt thu lại phần vốn đã đầu tư vào việc mua thiết bị, và mặt khác mang lại lợi nhuận với số tiền lãi.

II. Tổ chức nào cung cấp những công cụ tài trợ đã trình bày ở trên?

1. Các tổ chức cấp các khoản tài trợ dưới hình thức tham gia góp vốn:

Kiểu tài trợ này chủ yếu do các công ty "vốn rủi ro" cấp (trong tiếng anh "venture capital"), đó là những công ty chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực này.
Các tổ chức tài trợ khác, nhất là một số Tổ chức Tài Chính Quốc tế (SFI, ADB....) và một số ngân hàng phát triển cũng có thể cấp các khoản tài trợ dưới hình thức "tham gia góp vốn", nhưng thường đó là hoạt động phụ, bên cạnh hoạt động chính vẫn là cho vay trung và dài hạn.

Tại Việt nam, luật pháp hiện hành không cho phép tồn tại "công ty có vốn rủi ro"; như vậy, các doanh nghiệp không có khả năng được hưởng loại tài trợ do công ty cung cấp nhằm giúp họ vượt qua một số giai đoạn trong quá trình phát triển.

Ngoài số ít các công ty cổ phần ra (có thể tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu mới), cách duy nhất để các doanh nghiệp Việt nam huy động nguồn vốn từ bên ngoài là lập ra một công ty liên doanh phù hợp với luật đầu tư nước ngoài. Nhưng đó lại là một phương tiện đáp ứng mục đích khác mục đích của tài trợ bằng việc "tham gia góp vốn" của các tổ chức tài trợ.

2. Các tổ chức tài trợ dưới hình thức cho vay trung và dài hạn.

Các khoản vay có kỳ hạn thường do hệ thống ngân hàng cấp, cụ thể là do một số ngân hàng như các ngân hàng "Đầu tư và Phát triển", là những ngân hàng chuyên môn hoạt động trong lĩnh vực này cung cấp. Ngược lại, các ngân hàng Thương mại, như tên của chúng đã cho thấy, dùng đa phần nguồn vốn của mình để cấp tín dụng ngắn hạn để tài trợ cho các giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, đôi khi các nguồn tài trợ có kỳ hạn có thể đến từ các Dự án Phát triển Kinh tế do các đối tác nước ngoài tài trợ (các đối tác này có thể là các nước, hay nhóm các nước như "Liên minh châu Âu", hoặc các tổ chức quốc tế như "Công ty Tài chính Quốc tế" hay "Ngân hàng Phát triển Châu á",...), trong đó có một bộ phận được tổ chức dưới hình thức một "nguồn tài trợ".

Trong những trường hợp này, các khoản vay thường được cấp thông qua kênh của hệ thống ngân hàng địa phương. Có nghĩa là các ngân hàng đã ký hiệp định Tham gia với Dự án - là bên cung cấp cho ngân hàng nguồn tài trợ, để sau đó, ngân hàng cung cấp các khoản vay có kỳ hạn cho khách hàng.

3. Các tổ chức tài trợ dưới hình thức thuê tài chính:

Các khoản tài trợ dưới hình thức thuê tài chính do các công ty tài chính cung cấp. Các công ty này được thành lập để chuyên hoạt động trong lĩnh vực thuê tài chính.

Tuỳ theo quy định luật pháp của đất nước, các công ty này có thể đề xuất một loạt các dịch vụ thuê tài chính phong phú hay hạn chế, từ việc tài trợ cho các thiết bị hoạt động khác nhau (máy vi tính, máy móc, phương tiện vận tải,...) đến việc tài trợ cho cả những công trình xây dựng phục vụ cho mục đích công nghiệp và thương mại.

Phần tiếp theo taichinhlinhhoat.com sẽ giới thiệu phần hướng dẫn chi tiết của cuốn sách này mời các bạn chú ý đón đọc.

Nguồn: sưu tầm và tổng hợp bài của EURO – TAP VIET PROJECTDr. Le Corre

0/Để lại bình luận

NỘI QUY KHI BÌNH LUẬN :
» Không sử dụng từ ngữ thô tục, thiếu văn hoá, gây mâu thuẫn; Không bàn luận chính trị, sắc tộc.
» Được chém gió thoải mái nhưng Không được Spam.
» Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc
» Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Email: info@taichinhlinhhoat.com,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!